Cùng với sự phát triển của công nghệ, thông tin, dân số và tiêu thụ, mọi thứ ngày càng phức tạp hơn. Rất dễ bị rối trí, mất kiểm soát, khó tiếp thu, tập trung ngắn... và những căn bệnh thời đại khác, không loại trừ giới trẻ hay giới nào.
Tuy nhiên, không giống như việc đi khám sức khỏe tổng quát, việc đi khám sức khỏe tinh thần chưa thật sự phổ biến ở Việt Nam. Do đó, bạn cần chuẩn bị một số hiểu biết cơ bản về các triệu chứng để có thể biết khi nào mình cần chủ động đến các phòng khám sức khỏe tinh thần.
Sức khỏe Tinh thần là gì?
Sức khỏe tinh thần liên quan đến cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động.
Sức khỏe tinh thần giống như một chiếc lò xo, mà mức độ chịu co giãn, đè nén là rất khác nhau đối với từng cá nhân. Điều này là vì các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, như kinh nghiệm, lịch sử gia đình và tâm sinh lý, là rất khác nhau giữa mỗi người.
Có ý thức, chú ý đến sức khỏe tinh thần là bước đầu tiên giúp bạn có một cơ thể và trí não khỏe khoắn, lành mạnh.
Bất kỳ rối loạn nào về sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi, cảm xúc và tâm trạng của một người. Tình trạng này có thể tạo ra khó khăn trong việc duy trì các hoạt động hàng ngày và giảm chất lượng cuộc sống.
Những vấn đề về sức khỏe tinh thần phổ biến nhất là lo âu (anxiety), trầm cảm (depression) và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (post-traumatic stress disorder). Các vấn đề này có thể ảnh hưởng đến người ở mọi lứa tuổi. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới có thể chẩn đoán các tình trạng sức khỏe tinh thần và cá nhân hóa các phương pháp điều trị theo nhu cầu của từng người.
Mặc dù không thể ngăn ngừa mọi tình vấn đề khỏe tinh thần, nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ và hỗ trợ sức khỏe tinh thần của mình.
Tăng cường các hành động tích cực như tập thể dục thường xuyên, gặp gỡ bạn bè hoặc có một giấc ngủ ngon đều có thể có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tinh thần của bạn.
Khi nào thì tôi nên để ý đến Sức khỏe Tinh thần của mình?
Mỗi người sẽ có những triệu chứng thể hiện ra bên ngoài khác nhau khi sức khỏe tinh thần của họ gặp vấn đề. Bạn không thể dựa vào việc so sánh mình với các triệu chứng của ai đó để đưa ra nhận định chắc chắn về sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu phổ biến mà bạn nên lưu ý và báo cho bác sĩ của mình:
- Khó khăn trong việc đối phó với căng thẳng hàng ngày.
- Tránh gặp mặt bạn bè, gia đình và không muốn tham gia các hoạt động giao tiếp.
- Trải qua những thay đổi cực đoan về cảm xúc hoặc tâm trạng.
- Bối rối hoặc khó tập trung.
- Thay đổi về ăn uống hoặc giấc ngủ, chẳng hạn như ăn uống hoặc ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
- Cảm thấy buồn hoặc chán nản phần lớn thời gian.
- Cảm thấy tâm trí xa rời khỏi thực tại.
Vì sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bạn cũng nên chú ý đến những thay đổi trong sức khỏe thể chất của mình.
Có thể bạn sẽ gặp phải nhiều cơn đau đầu, đau bụng, hoặc đau ở các vùng khác trên cơ thể.
Có phải do tôi quá yếu đuối không?
Bạn không phải là người có lỗi. Các vấn đề về sức khỏe tinh thần không phải là lỗi của bất kỳ ai. Mọi người đều có thể gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, nhưng đây lại là vấn đề ít ai muốn chia sẻ cho tất cả mọi người cùng biết, nên chúng ta ít được nghe tới nó từ cuộc sống.
Chỉ vì bạn cần sự hỗ trợ về sức khỏe tinh thần không có nghĩa là bạn đã làm gì sai hoặc có điều gì đó không ổn với bạn.
Mặc dù không phải là một chuyện dễ dàng gì, nhưng việc yêu cầu giúp đỡ từ một bác sĩ hay chuyên gia là một trong những cách tốt nhất để nhận được sự hỗ trợ cần thiết và bắt đầu giải quyết những lo lắng của bạn.
Sức khỏe Tinh thần của tôi có thể trở nên tốt hơn, mạnh mẽ hơn không?
Có thể.
Nhiều người gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể phục hồi hoặc học các kỹ năng để quản lý và phát triển tốt hơn với tình trạng của mình.
Trong quá trình hồi phục, bạn có thể trải qua những thăng trầm, và đó là điều bình thường. Điều đó có nghĩa là bạn đang đối mặt với chính mình trên hành trình hồi phục, hoặc ít nhất là tìm được cách sống hòa hợp với các vấn đề của mình.
Và đừng quên rằng, việc phục hồi có thể khác nhau đối với mỗi người, nên đừng cảm thấy nản lòng nếu thấy bạn trải qua mọi thứ khó khăn hơn hay lâu hơn so với những gì bạn nghe thấy.
Có nhiều kỹ thuật và phương pháp điều trị sức khỏe tinh thần khác nhau. Bạn có thể thử các phương pháp mới nếu một kỹ thuật hoặc phương pháp không hiệu quả với bạn. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn trao đổi việc này với một chuyên gia tâm lý uy tín nhé.
Khi nào và làm thế nào để yêu cầu sự giúp đỡ?
Bất cứ khi nào bạn có những câu hỏi hoặc lo lắng về sức khỏe tinh thần của mình, hãy chia sẻ với chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý. Họ có thể giúp bạn tìm kiếm tài nguyên hoặc cung cấp các phương pháp hỗ trợ.
Việc nói về sức khỏe tinh thần với bạn bè hoặc gia đình có thể cảm thấy khó khăn, nhưng có những cách giúp bạn dễ dàng hơn:
- Bắt đầu với người mà bạn tin tưởng.
- Ghi lại những điều bạn muốn nói.
- Yêu cầu kiểu hỗ trợ mà bạn cần và mong muốn.
Tôi phải làm sao nếu thấy người thân, bạn bè mình có vấn đề Sức khỏe Tinh thần?
Nếu bạn lo lắng về một người bạn hoặc người thân, hãy nhớ một số lưu ý sau:
- Hỏi thăm họ cảm thấy thế nào và xem họ có muốn trò chuyện không, hãy chọn không gian kín đáo và riêng tư, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho cả hai.
- Thuần lắng nghe những gì họ chia sẻ, nhất định không đưa ra ý kiến, quan điểm của mình trừ khi được yêu cầu.
- Không sao cả nếu bạn không biết câu trả lời cho một câu hỏi, đơn giản vì bạn không phải một nhà khoa học hay một chuyên gia. Đừng cố phỏng đoán, hãy đề nghị giúp tìm kiếm thông tin từ các nguồn hoặc người uy tín.
- Mặc dù bạn có thể gợi ý việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc trị liệu, nhưng quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ là nằm ở họ. Bạn không nên bắt ép khi họ chưa sẵn sàng.
- Hãy kiên nhẫn và hãy giúp đỡ nếu có thể. Những cuộc trò chuyện này có thể khó khăn hay thậm chí khó chịu với bạn, nhưng bạn hãy đứng ở một tâm thế mình đang cố gắng giúp đỡ họ.
Trắc nghiệm Sức khỏe Tinh thần
Bạn hoàn toàn có thể làm trắc nghiệm sức khỏe tinh thần trên điện thoại, ở bất kỳ nơi nào, lúc nào bạn muốn. Bảng hỏi này có thể cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe tinh thần của một cá nhân, tiền sử gia đình, yếu tố rủi ro hoặc các tình trạng liên quan.
Bạn nên biến việc này thành một thói quen làm thi thoảng, bởi vì việc phát hiện sớm một tình trạng có thể giúp bạn xử lý và giảm thiểu tác động của nó. Thực hiện bảng hỏi sức khỏe tinh thần thường xuyên là một cách để hiểu rõ hơn về sức khỏe tâm thần của bạn và sự thay đổi của nó theo thời gian.
Có nhiều loại bảng hỏi sức khỏe tâm thần, một số giúp sàng lọc các dấu hiệu và triệu chứng của các tình trạng phổ biến.
Hai tình trạng phổ biến nhất là lo âu và trầm cảm. Bảng hỏi Rủi Ro Lo Âu - Generalized Anxiety Disorder (GAD-7) được sử dụng để sàng lọc lo âu, còn bảng hỏi Rủi Ro Trầm Cảm - Patient Health Questionnaire (PHQ-9) sàng lọc trầm cảm.
Kết quả trắc nghiệm có thể cung cấp cái nhìn về nguy cơ hiện tại của bạn đối với các tình trạng sức khỏe tinh thần khác nhau, chẳng hạn như lo âu hoặc trầm cảm. Tuy nhiên, bảng câu hỏi không mang tính chẩn đoán, bạn nên đi gặp bác sĩ để chắc chắn hơn.
Khi nào nên nói chuyện với bác sĩ
Tùy vào kết quả từ bảng câu hỏi, bạn có thể muốn thảo luận về mức độ nguy cơ của mình với các bác sĩ. Mặc dù chuyện sắp lịch đi gặp bác sĩ có thể trông phiền phức, căng thẳng, mất thời gian, nhưng có những gợi ý sau đây để việc thăm khám trở nên thoải mái hơn:
- Ghi lại danh sách các triệu chứng của bạn (thay đổi tâm trạng, giấc ngủ hoặc sự thèm ăn) và thời gian bạn đã gặp phải chúng.
- Đề cập đến bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong cuộc sống của bạn, chẳng hạn như thay đổi công việc, mất một con vật cưng, hoặc kết hôn.
- Đề cập đến bất kỳ chẩn đoán sức khỏe nào trước đây.
- Lập danh sách các loại thuốc, thực phẩm chức năng và vitamin hiện tại, cùng với liều lượng của từng loại.
Bác sĩ của bạn có thể hỏi bạn những câu hỏi để hiểu rõ hơn về triệu chứng của bạn và cách chúng ảnh hưởng đến bạn. Trả lời trung thực có thể bác sĩ của bạn hiểu rõ hơn về sức khỏe tổng thể của bạn và cách giải quyết những mối quan tâm của bạn.