Thoát khỏi bộn bề

Thoát khỏi bộn bề

Profile image
Hữu Nghị
Th05 07, 2024 • 16 min read

Bạn sẽ chẳng bao giờ hết bận rộn. Hoặc là bạn hãy bắt đầu chú ý đến sức khỏe (và ngừng lý do), hoặc là sức khỏe sẽ khiến bạn chú ý.

Bận rộn làm chủ.

Tôi có hơn 10 năm đi làm thuê ở nhiều doanh nghiệp lớn. Tôi hiểu sự bận rộn, tốc độ, cạnh tranh ở những tập đoàn như vậy. Tôi có thể thích nghi tốt, nhưng nếu có cơ hội, tôi vẫn thích sự tự do, được làm chủ thời gian, tốc độ, chất lượng của mình.

Khi khởi nghiệp, tôi chọn cho mình một mô hình kinh doanh ít áp lực về thời gian. Trải qua vài năm vất vả, tôi đã may mắn có một công ty vận hành ổn định. Tôi có sự tự do mà mình mong muốn.

Vậy mà cách đây 2 năm, tôi đã trải qua một giai đoạn căng thẳng khủng khiếp. "Stress" quật tôi "lên bờ xuống ruộng" gần 3 tháng.

Nhân viên nghỉ việc. Trang web bị lỗi. Khách hàng than phiền. Lịch họp bị quá tải. Nhiều thứ cần phải duyệt. Nhiều việc cần phải xử lý... Những chuyện này không phải mới, tôi cũng đã trải qua nhiều lần. Thực chất là doanh nghiệp nào mà chẳng trải qua những lúc như vậy.

Nhưng căng thẳng tích lũy cũng có lúc bùng nổ. Giọt nước rót mãi cũng tràn ly.

Tôi còn nhớ trong giai đoạn căng thẳng đó, tôi cứ nghĩ sẽ chẳng có chuyện gì đâu, "Dăm ba cái áp lực ấy mà, những lúc khó khăn thì phải nỗ lực hơn thôi". Tôi về trễ và thức khuya nhiều tuần liền. Cứ tự nhủ là thôi cứ ráng thêm một chút mỗi buổi tối "over-time", tôi tạm thời bỏ thói quen chạy bộ, dành thời gian cho bản thân.

Tôi nhận ra mình bắt đầu thấy mệt khi khoảng 4h chiều mỗi ngày là thị lực của tôi bắt đầu suy giảm. Các vật ở xa trở nên mờ đi, và việc đọc màn hình, đọc tài liệu trở nên khó khăn. Buổi sáng, tôi uống nhiều cafe hơn, có thể thêm 1 ly gần trưa, vì buổi chiều dễ mệt và khó tập trung hơn.

Chuyện tại chỗ làm cũng khiến tôi trở nên cáu gắt hơn khi về nhà. Tôi ít kiên nhẫn với con cái hơn, tôi dễ căng thẳng với tiếng ồn và tiếng cãi nhau của chúng. Tôi cảm thấy tội lỗi khi bỏ bê bản thân, không tập thể dục, nhưng tôi cũng không cảm thấy trọn vẹn khi ở nhà buổi tối.

Tôi bắt đầu khó ngủ. Có những đêm vừa buông máy ra và lao vào giường nhưng đầu óc vẫn quay cuồng với những suy nghĩ ngổn ngang. Hồi còn trẻ, làm xong việc lăn ra là ngủ. Tuổi trung niên sao mà khó vào giấc ngủ quá. Tôi cảm nhận được tim đập nhanh, cố hít thở để giữ nhịp và giấc ngủ không sâu, cứ mở mắt ra là giống như chưa ngủ, và đêm trôi sao mà chậm quá. Tôi chỉ mong đến sáng để giải quyết tiếp mớ công việc.

Nhận thấy việc mất ngủ thực sự làm giảm hiệu quả công việc, tôi cũng từng 1 lần thử uống ngủ. Khi cầm viên thuốc trong tay cũng là lúc tôi bừng tỉnh. "Mình đã làm gì thế này? Mình đã xây dựng được 1 công ty và có sự tự do như mình muốn, mà bây giờ, giữa đêm, mình lại phải uống thuốc ngủ để đối phó với những thứ stress 'vớ vẩn' như vậy? Ai đã làm cho mình ra nông nỗi này?"

Không có ai. Không có ông sếp vô lý nào. Không có vị khách hàng hối hả nào. Không có ai để tôi đổ lỗi cả.

Tôi là lý do duy nhất khiến mình bị căng thẳng.


Bận rộn làm thuê.

Tôi có một cô em làm tại một agency quảng cáo lớn, quản lý 5-6 khách hàng trọng điểm trị giá hàng triệu đô.

Em kể, áp lực đối với em là niềm vui, em thích cảm giác "over-time", "chạy deadline" của ngành quảng cáo (Tôi thì cực ghé cái áp lực vô lý đó). Em thích cái cảm giác "được làm anh hùng" khi là người duy nhất có thể "giải cứu" cho team và khách hàng những dự án quan trọng vào những ngày cuối tuần.

Tại agency thành công nhất trong sự nghiệp, em là người không ngại nói “OK, để đó chị” mỗi khi đi nhận brief, cho tới khi số lượng dự án chất đống. Mỗi khi có 1 leader khác nghỉ, em lại nhận thêm trách nhiệm quản 1-2 team khác.

Khách hàng lớn hơn, dự án lớn hơn, team em cũng lớn hơn. Em đã trao quyền cho nhân viên, em đã bố trí thêm người, nhưng vẫn không đáp ứng đủ khối lượng công việc.

Đặc trưng của ngành này là phải cực nhạy với những ý tưởng và những "đề bài gấp", không phải hằng ngày mà là hằng giờ, nên có những ngày làm việc căng thẳng đến điên rồ là điều không thể tránh khỏi. Hãy nghĩ rằng, tốc độ và sự căng thẳng đó, là cuộc sống thường ngày của em trong nhiều năm liền.

Hiển nhiên với mức độ công việc như vậy, em cũng không có nhiều thời gian dành cho bản thân, gia đình, bạn bè. Thích làm "anh hùng" nhưng em bắt đầu cảm thấy như mình đang gánh cả thế giới trên vai, mà nếu buông tay, cả hệ thống có thể sụp đổ. Ngay cả trong những ngày công việc suông sẻ nhất, em cũng ở trong trạng thái căng thẳng tột độ.

Đã từng là kiểu người mà sẽ nói “OK nha” với mọi yêu cầu. Giờ đây, em cứ có cảm giác rằng mình phải có trách nhiệm với mọi thứ, mặc dù rằng có những chuyện không cần em phải chịu trách nhiệm lắm.

Rồi sau 1-2 đợt nghỉ bệnh, nhưng không thực sự dành đủ thời gian để phục hồi, em kể, có lần em đã thức dậy trong đêm và bật khóc một cách không thể kiềm chế. Em biết mọi thứ đã đến giới hạn.

Cuối cùng, em xin nghỉ và buông bỏ mọi thứ, dù cho công ty có đề nghị giữ em và tăng lương. Em nói với tôi, em không thể có cuộc sống và sức khỏe bình thường nếu cứ như vậy. Em cần nghỉ "gap year" rồi sẽ tính tiếp.


Bạn không bao giờ hết bận rộn.

Cho dù bạn làm thuê hay làm chủ. Bạn thấy đấy...

Bạn không bao giờ hết việc ở công ty.
Bạn cũng sẽ không bao giờ hết việc ở nhà.

Những người bận rộn luôn cho rằng nếu không có họ, sẽ không có gì hoàn thành cả. Nồi cơm sẽ không được nấu, căn nhà sẽ không sạch, công việc sẽ không xong, còn nhiều khách hàng chưa phục vụ, vài thứ nữa cần làm nốt...

Bên cạnh lý do "tham công tiếc việc", người bận rộn cảm thấy "tội lỗi" khi thấy mình rảnh rỗi, và bận rộn là cách duy nhất khiến họ cảm thấy có giá trị, được là "anh hùng". Họ cũng cảm thấy "tội lỗi" nếu đứng dậy đi về đúng giờ, cảm thấy "tội lỗi" nếu "cắn xén" bớt thời gian cho gia đình để dành chăm sóc bản thân. "Ráng làm thêm một chút thì đỡ thêm được một việc", họ thường tự nhủ như vậy để xoa dịu cảm giác tội lỗi của mình.

"Dạo này mình bận lắm" cũng là câu trả lời trông "cool ngầu" hơn khi có ai đó hỏi thăm. Ở đâu cũng vậy, chúng ta được dạy rằng những người thành công thì sẽ bận rộn. Nếu lịch trình của chúng ta không kín mít, thì ta sẽ cảm thấy mình không quan trọng. Nghỉ phép dài hoặc thậm chí chỉ là tranh thủ nghỉ trưa lâu dễ bị nói là "đi làm mà 'chill' quá".

Một lý do nữa, là tất cả chúng ta đều biết rằng làm việc quá giới hạn của cơ thể sẽ dẫn tới “burn-out”. Nhưng thực tế chúng ta thường bị cuống vào cái guồng công việc kinh khủng nhưng lại tăng từ từ hơn, giống việc một con ếch được thả trong một nồi nước sôi lên từ từ thì chúng sẽ không nhận ra là nước đang sôi và chúng đều sẽ bị luộc chín vậy. Hoặc nếu nhận ra, cũng không mấy ai nghĩ tới việc dừng lại và xem xét mọi thứ, vì mọi người đều sợ rằng nếu mình chậm lại để quan sát mọi thứ xung quanh họ, mình sẽ bị tuột lại phía sau.

Tất cả những điều này dẫn tôi đến một kết luận rằng, không phải lúc nào khách hàng cũng là những nhân vật phản diện trong bộn bề của tôi. Đôi khi, vấn đề đến từ chính bản thân của tôi, của bạn. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Đã đến lúc phải đối diện với thực tế, dù có thể nó chẳng dễ dàng.

Một trong những vấn đề lớn nhất mà tôi gặp là không có ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Thật ra, thế giới cũng chẳng sụp đổ nếu như bạn không nghe một cuộc gọi hay trả lời một cái email ngay lập tức. Việc bạn cuống quýt giải quyết liền không phải do ai yêu cầu, mà là bắt nguồn từ nỗi sợ của chính bạn: sợ bỏ lỡ một thứ gì đó quan trọng, sợ trễ "dead-line" hoặc làm khách hàng thất vọng.

Mà không phải chuyện gì cũng đến tay bạn. Có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, thì nỗi lo sợ có khiến bạn bận rộn hơn, thì cũng chẳng thay đổi được gì. Chỉ có bạn là héo hon gầy mòn, còn bầu trời và cuộc sống thì vẫn như vậy.

Bạn thấy đấy, bạn sẽ không bao giờ hết bận rộn.

Tôi hiểu, bận rộn là một cảm giác của người có trách nhiệm với nhiều gánh nặng trên vai không thể buông bỏ.

Tôi không nói bạn ngừng quan tâm, tôi chỉ nhắc nhở bạn dành thời gian nghỉ ngơi, cân bằng công việc, cuộc sống, sức khỏe. Hãy bận rộn với sự chủ động và tình yêu.


Bận rộn có ý nghĩa.

Tôi đã từng ngờ rằng việc sống chậm lại, bớt kỳ vọng đi, sẽ làm mình chậm thăng tiến, kém phát triển.

Nhưng tôi đã lầm. Rất, rất, rất SAI!

Cho mãi đến gần đây, khi tôi thử sống chậm lại một chút, chú tâm hơn một chút, tôi mới nhận ra đây mới là cách tôi có thể làm mình cảm thấy “trọn vẹn” hơn.

Thú thật là tôi cũng cảm thấy có chút tội lỗi khi tự cho mình thời gian một mình và những thú vui cá nhân. Nhưng nhờ những lúc như vậy, tôi có năng lượng để cày từng giây từng phút, tôi có sức bền để sống chú tâm dù ở công ty hay ở nhà.

Khi nỗi sợ dẫn dắt cuộc sống của chúng ta, thì ngay cả những điều ta yêu thích nhất cũng trở thành một công việc chán chường. Nếu không chiến thắng được nỗi sợ, không chỉ công việc mà cả sự nghiệp sẽ trở nên u ám, và ta trở thành nô lệ cho tư bản, trong chính công việc mình hằng yêu thích.

Mà làm sao biến chuyện này thành khả thi khi tôi có một đống công việc phải giải quyết và người yêu thì đang đợi tôi trả lời tin nhắn?

Này bạn, tôi không nói rằng bạn nên thư giãn quá, hay chậm quá, hay lười biếng quá. Nhưng hãy bận rộn với sự chủ động và tình yêu công việc, chứ không phải bởi nỗi sợ mất kiểm soát.

Đôi khi, làm tới đêm muộn vẫn là cần thiết. Sẽ có những ngày, có những vấn đề lớn thực sự cần đến bạn, và bạn cần phải thức đến 1-2h sáng. Sẽ có những giai đoạn mà bạn cần tập trung 200% để hoàn thành một điều gì đó quan trọng, và bạn sẽ "lơ là" những thứ khác.

Và bạn sẽ biết ơn khi nhận ra rằng bạn có đủ sức khỏe và tinh thần để chiến đấu trong những lúc như vậy. Và bạn hiểu rằng những dịp như vậy là những thử thách có mục tiêu, có điểm đến, làm mới cuộc sống, chứ không phải là những chuỗi ngày căng thẳng vô hạn đến kiệt sức.

Là một người trưởng thành có trách nhiệm, đôi khi đòi hỏi chúng ta phải hy sinh thời gian của cá nhân. Nhưng hãy chắc chắn rằng sự hy sinh đó là bởi vì bạn yêu thích, bạn có thể, bạn mong muốn, chứ không phải bị cuốn vào một vòng xoáy "tích cực độc hại" của những nỗi sợ mất kiểm soát: gánh nặng trên vai, bị bỏ lỡ, bị thua kém...

Nếu bạn có bận rộn, hãy bận rộn chủ động, có ý nghĩa.


Chậm lại. Bớt đi. Giãn ra.

Làm sao để bớt bận rộn ư? Chỉ có bạn mới hiểu rõ mình nhất.

1. Chậm lại.

Nếu bạn bận rộn và mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát, thì có lẽ mọi thứ vẫn ổn.

Nếu bạn bận rộn mất kiểm soát và hay tự hỏi bản thân "làm quái gì mà mình lại phải như vậy", thì có lẽ bạn nên chậm lại. Tôi không trả lời được giúp bạn câu hỏi "mình phải bỏ bớt cái gì đây", tự bạn sẽ phải tìm câu trả lời cho mình.

Tôi chỉ khuyên là, bước đầu tiên, bạn nên chậm lại. Tập trung vào hiện tại. Khi chúng ta chậm lại, có thể các ưu tiên sẽ trở nên rõ ràng.

2. Bớt đi

Bớt việc, "gạch bỏ" những thứ không thực sự quan trọng, để cho những thứ quan trọng trở nên quan trọng và ưu tiên.

Bớt kỳ vọng, để thực sự hoàn thành mọi thứ nhanh hơn. Sau đó, nếu có thời gian, hãy quay lại làm hoàn hảo mọi thứ sau.

Giao việc. Nếu người khác cũng có thể hoàn thành, thì bạn cũng bớt được chút bận rộn. Nếu có thời gian, hãy quay lại làm mọi thứ hoàn hảo sau.

Giảm trọng trách, đừng cố "làm anh hùng". Hãy cam kết với một lịch trình bạn có thể duy trì và các nhiệm vụ bạn có thể hoàn thành mà không phải làm hại bản thân. Không ai sẽ lên cơn đau tim nếu bạn từ chối một dự án. Sếp bạn sẽ biết như thế nào là quá nhiều một cách vô lý.

(Nếu bạn nhận thấy việc "giảm trọng trách" là điều bất khả thi, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên đổi việc, hoặc đổi công ty. Đôi khi từ bỏ là điều dũng cảm nhưng cần thiết. Có thể chẳng có ai "sai" cả, chỉ là bạn nên ở một nơi phù hợp, cho phép bạn "bận rộn có ý nghĩa" hơn thôi.)

Bớt họp hành, bớt đa nhiệm.

Chỉ họp khi thực sự cần thiết. Còn không, hãy tôn trọng đồng nghiệp hoặc sếp của bạn (và chính bạn) bằng cách đề xuất cách thức ra quyết định hiệu quả hơn.

Đa nhiệm là một "lời nguyền". Ít quá hay nhiều quá đều không tốt. Đa nhiệm trong kiểm soát mới giữ được hiệu quả. Mà trong bối cảnh về sự bận rộn mất kiểm soát, hãy cho phép bản thân bớt đa nhiệm.

3. Giãn ra

Kéo giãn những thứ khẩn cấp không đáng có, sắp xếp chúng vào một thời điểm mà bạn có thể kiểm soát được.

Ví dụ, nếu không thể tắt hẳn điện thoại, hãy đơn giản là Tắt Noti. Điều này sẽ tạm thời vô hiệu hóa những tin nhắn, thông báo và các cuộc gọi đến, mà đa phần chúng là không quá quan trọng (so với sức khỏe tinh thần của bạn).

Điều này cũng chẳng khác gì bạn đang ở trong một cuộc họp quan trọng và không thể phản hồi bất cứ thứ gì, chỉ khác đó là "cuộc họp quan trọng với tâm trí" của bạn, mà không ai nên làm phiền.

Hãy tạo ra một không gian với ít sự phân tâm nhất có thể. Làm những việc quan trọng trước, và trả lời email và tin nhắn sau. Tránh online trừ khi bạn thực sự cần tìm kiếm thông tin. Tránh xa các mạng xã hội trừ phi bạn đang dành thời gian thư giãn có chủ đích.

Hãy chủ động, đừng bị động.

4. Nghỉ ngơi

Rời khỏi văn phòng trước 6 giờ tối, hoặc sớm hơn nếu có thể. Ăn tối với gia đình hoặc bạn bè, tập thành, thư giãn và ngủ một giấc ngon lành. Bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo và tập trung khi đến công ty vào sáng hôm sau.

5. Dành thời gian cho bản thân

Các nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta tự cho mình thời gian ở một mình và làm những việc như viết nhật ký, đọc sách, đi dạo trong thiên nhiên, hoặc mơ mộng... thì chúng ta đang nâng cao khả năng sáng tạo và học cách điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.

Vì vậy, có lẽ bạn cần lưu tâm hơn trong chuyện dành thời gian cho mình để tái cân bằng, hiểu rõ bản thân hơn, và nạp lại năng lượng.

Và đó là những điều bạn có thể chọn ra và thử trong ngày hôm nay, hoặc tuần này.


Khi cơ thể bạn không khỏe, không có gì là quan trọng nữa. Hãy nghĩ đến những lúc như vậy, để thấy rằng, bận rộn là tốt, nhưng đừng để mất kiểm soát đến nỗi phải hy sinh bất kỳ điều gì.

Bạn không có lý do gì phải bận rộn như vậy.
Cũng chỉ có bạn mới quyết định được mình bận rộn như thế nào.

Đừng nóng vội với những thay đổi sẽ đến ngay tức khắc, chỉ cần kiên trì, chậm rãi, và rồi bạn sẽ rất ngạc nhiên về tác động đem lại từ những quãng thời gian cố gắng thoát khỏi bộn bề.