Bối rối "khi nào thì cưới"?

Bối rối "khi nào thì cưới"?

Profile image
Hữu Nghị
Th05 07, 2024 • 7 min read

Bài viết này dành cho một cậu em tên P. Một hôm ngồi trò chuyện, cậu hỏi tôi:

“Em yêu cô ấy nhiều, bên nhau rất vui, khi nào thì nên cưới?
Tụi em chưa có kế hoạch gì và cũng không biết bắt đầu thế nào.”

Tôi cũng giật mình vì ngày xưa, chuyện cưới xin của mình diễn ra tự nhiên, khiến cho bản thân chưa nghĩ nhiều về sự phức tạp của quyết định đó. 🙃

Thế nên trong vài tuần, tôi tự đặt mình vào vị thế của một chàng trai trẻ, để cố gắng hiểu xem, khi nào thì tôi sẽ sẵn sàng để cầu hôn người con gái mình yêu. Hoặc ngược lại, khi nào thì người con gái sẽ cảm thấy yên tâm mà đồng ý.

Thì dưới đây là ví dụ dễ hình dung nhất cho câu trả lời, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tôi:

“Trong trường hợp máy bay gặp sự cố, hành khách đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình, sau đó mới hỗ trợ người bên cạnh”
— nghĩa là mình phải ổn, thì mới lo được cho người khác.

Như thế nào là "ổn" để “lo được” cho người khác?

Nếu bạn cũng có những "bối rối" như cậu em tôi, dưới đây là 4 câu hỏi đơn giản – 3 câu cho bạn và 1 câu cho cả hai người – để tự gỡ rối cho bản thân, và xem bạn đã sẵn sàng như thế nào.


Câu hỏi đầu tiên là…

Bạn có độc lập về tài chính chưa?

Câu hỏi ở đây là “độc lập” về tài chính, không phải “tự do” về tài chính.

Bạn không cần phải giàu có, thành đạt thì mới lập gia đình. Bạn chỉ cần có một công việc ổn định, với mức thu nhập đủ để có một cuộc sống độc lập.

person wearing watch near laptop

Cuộc sống độc lập nghĩa là sao?

Là bạn muốn ở chung với gia đình, hay ra ở riêng, bạn đều tự quyết được. Không mua được nhà thì thuê. Không cần quá tiện nghi hay hưởng thụ, nhưng cũng đủ đầy các nhu cầu về ăn mặc, sức khoẻ. 

Bạn không phải hy sinh thời gian hay sức khoẻ để đổi lấy tiền, theo cách mà bạn không mong muốn.

Hãy nhớ rằng, bạn ít nhất phải “nuôi” nổi bản thân mình, thì mới “nuôi” được người khác. Đúng không nào?

Vậy nên câu hỏi đầu tiên là, bạn có độc lập về tài chính chưa?


Câu hỏi thứ 2 đó là…

Bạn có tự lo được cho bản thân chưa?

Đơn giản là biết tự phục vụ những nhu cầu cơ bản của bản thân, không để ai phải “hầu hạ” hay phiền lòng.

brown dried leaves on sand

Tự lo được cho bản thân chỉ đơn giản là biết chăm sóc tốt bản thân (giữ gìn diện mạo, sức khỏe), kiểm soát được lối sống (hành trình mỗi ngày) và nhận thức (tự biết những “lằn ranh” tốt xấu, đúng sai), tổ chức được không gian sống lành mạnh, tự sửa được món đồ, tự nấu được bữa cơm (hoặc ít nhất là có thu nhập để biết gọi người sửa, gọi món ăn)…

Thật không đúng khi cho rằng, lập gia đình chỉ để có ai đó “hầu hạ”, chăm sóc cho mình. Mối quan hệ sẽ bền hơn nếu chúng ta không lệ thuộc, không là áp lực của một ai đó.

Dù là nam hay nữ, bạn cũng nên biết tự lo cho bản thân. Rồi bạn muốn lo thêm cho ai khác cũng được.

Vậy nên câu hỏi thứ hai là, bạn có tự lo được cho bản thân chưa?


Câu hỏi thứ 3 là (hơi dành cho các bạn nam)…

Bạn có thể tự quyết và tự chịu trách nhiệm?

Tự lo được cho bản thân là tốt rồi, nghĩa là bạn đã tự chịu trách nhiệm cho chính mình.

Nhưng lập gia đình nghĩa là bạn chịu (một phần) trách nhiệm đối với (những) người khác nữa (vợ chồng, con cái).

Bạn có thể tự quyết chuyện ở riêng hay ở chung được không?
Bạn có thể tự quyết “văn hóa gia đình nhỏ” của mình không?
Bạn có thể tự quyết chuyện nuôi dạy con cái không?
Vâng vâng…

Đây đều là câu hỏi “nhạy cảm” có thể gây tranh luận về việc ai là “chủ gia đình”, ai được quyền quyết định.

man and woman walking on green grass field during daytime

Để được tự quyết, bạn cần có được sự tôn trọng từ gia đình. 

Trước hết là khiến họ yên tâm về bạn, về sự trưởng thành của bạn, về khả năng bạn tự lo được cho bản thân. Kế đến là có lý lẽ, có trải nghiệm, thuyết phục với sự quyết tâm và dám chịu trách nhiệm cho những quyết định lớn hơn. 

Bạn không thể yêu cầu gia đình cho quyền tự quyết khi bạn không chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.

Và chỉ khi bạn có thể tự quyết, thì bạn mới có thể chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của người khác.

Vậy nên câu hỏi thứ 3 là, bạn có thể tự quyết và tự chịu trách nhiệm cho những quyết định lớn không?


Câu hỏi cuối cùng là…

Cả hai có đều muốn lập gia đình chưa?

Lập gia đình không thể là quyết định đơn phương hay áp lực. Nếu bạn đã sẵn sàng, hãy hỏi xem liệu người kia cũng muốn tương tự?

Hai bạn có muốn quan tâm, chăm sóc cho người kia nhiều hơn?
Hai bạn có kế hoạch cho tương lai và muốn thực hiện cùng nhau?
Hay đơn giản là hai bạn có muốn ở bên cạnh nhau lâu hơn?

Hãy trao đổi cởi mở về những kế hoạch cụ thể, ví dụ như quan điểm về đám cưới, mong muốn được tổ chức cuộc sống như thế nào, kế hoạch tài chính, con cái... cho đến khi tất cả đều thực sự rõ ràng, hai bạn sẽ không còn cảm thấy bối rối, áp lực nữa.

Khi cả hai đến với nhau, đó là 1+1>2, nghĩa là mọi thứ sẽ tốt hơn bình thường, thịnh vượng hơn, hạnh phúc hơn, tiết kiệm hơn… 👩‍❤️‍👨

Lập gia đình là chuyện vui, không nên là áp lực của một người.

Vậy nên, câu hỏi cuối cùng là, bạn đã sẵn sàng chưa, và người kia có muốn lập gia chưa?


Ai cũng bảo là yêu thì cứ cưới thôi, cần gì suy nghĩ nhiều quá.

Tôi cũng đồng ý.

Nhưng 4 câu hỏi trên không phải là điều kiện gì quá to tát, khó thực hiện, phải không các bạn? ❤️

Đâu phải là có công ty rồi mới cưới, có tiền rồi mới cưới, thành đạt rồi mới cưới. Những điều này hoàn toàn có thể đạt được sau khi đi làm được ít năm.

Trả lời được 4 câu này thì tôi nghĩ bạn đã sẵn sàng, có thể yên tâm xây dựng gia đình nhỏ.

man and woman holding hands focus photo

Còn nếu chưa đủ 4 câu? 

Tôi nghĩ cũng chẳng sao đâu bạn ạ. 

Nếu hai bạn thật sự yêu nhau và đều muốn lập gia đình thì cứ tiến tới thôi. Hãy giữ những câu hỏi này để trả lời sau cũng được.

Bởi tôi cũng thấy nhiều trường hợp, sự trưởng thành được “phát” ra sau khi lập gia đình hoặc có đứa con đầu tiên, như trách nhiệm, tình yêu, ý nghĩa cuộc đời, sự tỉnh thức…

Chỉ là đừng “lao vào bộn bề” mà không có sự chuẩn bị hay ít nhất là biết mình muốn gì từ quyết định đó. 

Còn trường hợp của bạn thì sao? Bạn có lời khuyên gì cho cậu em tôi không? 😀