"Lịch trình nhàm chán hằng ngày" thật ra cũng tốt, nếu bạn biết cách xây dựng cho mình một "routine" ý nghĩa và linh hoạt.
Nếu có một ngày bạn thức dậy và thấy ngày mới sao thật là... nhàm chán, thì chắc bạn không cô đơn đâu.
Tôi hiểu cái cảm giác mà ngày cứ thế trôi qua, tuần này rồi đến tuần khác. Không có gì thú vị, đáng trông chờ.
Bạn đến công ty trong tâm trạng uể oải, biết rằng mình sẽ phải làm những thứ phải làm, không có động lực gì đáng kể ngoài tiền lương.
Rồi khi bạn xong việc nhưng không muốn về nhà, vì bạn đã dự đoán trước những gì mình phải làm: cơm nước, dọn dẹp, con cái, haizzz...
Như 1 câu "punch line" của một người bạn Copywriter mà tôi còn nhớ:
"Có những ngày chán đến mức mà tôi chẳng buồn thức dậy. Tôi gọi đó là MỖI NGÀY"
Bạn có thấy mình trong đó không? 😑
Không sao cả nếu bạn cảm thấy như vậy. Tôi tin nhiều người cũng đã trải qua cảm giác này. Thực tế thì ai cũng trải qua vài lần trong mỗi giai đoạn cuộc đời.
Việc cảm thấy routine nhàm chán không hoàn toàn là do bạn thiếu đam mê, thiếu sáng tạo, hay không đủ mạnh mẽ đâu. Bạn chỉ cần hiểu bản chất của routine và có sự điều chỉnh phù hợp, rồi mọi thứ sẽ ổn.
"Routine" là gì nhỉ?
Routine (hay là thói quen, lịch trình mỗi ngày) là một chuỗi hành động hoặc lịch trình được thực hiện một cách thường xuyên và lặp đi lặp lại mỗi ngày theo một trật tự nhất định, một cách vô thức hay có ý thức.
Có thể hiểu routine giống như một "đường ray" mà chúng ta tự tạo ra để cuộc sống của mình di chuyển trên đó một cách có quy củ và hiệu quả.
Routine có nhiều loại, từ những thói quen nhỏ đến cả một lịch trình dài.
Routine cá nhân
Là những thói quen gắn liền với nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, như giờ thức dậy, giờ ăn, và giờ đi ngủ. Những routine này hoạt động như một chiếc đồng hồ sinh học, giúp cơ thể duy trì sự cân bằng và khỏe mạnh. Chẳng hạn, việc thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày sẽ giúp cơ thể thiết lập một nhịp điệu tự nhiên, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ và năng lượng trong ngày.
Routine hàng ngày
Routine hàng ngày là những việc lặp đi lặp lại mà chúng ta thực hiện mỗi ngày, như một phần tất yếu của cuộc sống. Đây có thể là những hành động tưởng chừng đơn giản nhưng lại tạo nên cấu trúc và nhịp điệu cho ngày của bạn.
Ví dụ, nếu đã có gia đình, thì buổi sáng, bạn có thể đưa con đi học rồi sau đó tranh thủ đến công ty làm việc. Còn nếu độc thân, bạn chọn thiền trong 45 phút để bắt đầu ngày mới với tinh thần tỉnh táo, đồng thời chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Đến chiều tối, routine của người có gia đình có thể là trở về nhà, dành thời gian cho vợ chồng, con cái. Còn routine của người độc thân là đi tập luyện, học hành hoặc thỉnh thoảng đi hang-out với bạn bè để thư giãn.
Routine công việc
Đây không đơn thuần chỉ là lịch làm việc, mà còn bao gồm cả cách chúng ta tổ chức và thực hiện công việc. Ví dụ như thói quen kiểm tra email vào đầu ngày, sắp xếp không gian làm việc, pha một ly cafe và đọc báo buổi sáng, hay phương pháp giải quyết các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên. Những routine này giúp tăng hiệu suất và giảm stress trong công việc.
Routine khác: thói quen và nghi thức
Bên trong lịch sinh hoạt thường ngày có thể có những thói quen hoặc nghi thức khác.
Một dạng routine quan trọng khác là routine chăm sóc bản thân (Self-care Routines). Đây là những thói quen liên quan đến việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Nó bao gồm các hoạt động như tập thể dục, thiền định, hay những nghi thức chăm sóc cơ thể. Những routine này đóng vai trò như "liều thuốc" định kỳ giúp duy trì sự cân bằng trong cuộc sống.
Chúng ta cũng có routine xã hội (Social Routines), bao gồm những thói quen trong tương tác với người khác. Đây có thể là thói quen gọi điện cho gia đình vào cuối tuần, gặp gỡ bạn bè định kỳ, hay tham gia các hoạt động cộng đồng. Những routine này giúp duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội.
Cuối cùng là routine sáng tạo (Creative hoặc Re-creation Routines), những thói quen giúp nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển khả năng sáng tạo. Đây có thể là thời gian đọc sách mỗi tối, viết nhật ký, hay thực hành một môn nghệ thuật nào đó. Những routine này hoạt động như những "bữa ăn tinh thần" đều đặn, nuôi dưỡng trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của chúng ta.
Điều quan trọng cần nhớ là các loại routine này không hoạt động độc lập mà thường đan xen và hỗ trợ lẫn nhau. Giống như một dàn nhạc giao hưởng, mỗi loại routine là một nhạc cụ riêng biệt, nhưng khi kết hợp lại, chúng tạo nên một bản nhạc hài hòa của cuộc sống.
4 lý do bạn thấy routine nhàm chám
Đừng quá bận lòng khi bạn cảm thấy buồn chán với nhịp sống hiện tại. Hãy thử xem có phải vì một trong số những lý do sau hay không nhé.
1. Có thể bạn chưa hiểu được ý nghĩa trong những điều mình làm.
"Why we do what we do? Tại sao chúng ta làm điều này?" là một câu hỏi hay để tự vấn bản thân về lý do chúng ta làm một điều gì đó.
Chẳng hạn, với một người cảm thấy nhàm chán khi đi làm mỗi ngày, vấn đề thường không nằm ở công việc, mà là ở cách họ nhìn nhận về mục đích của công việc đó. Khi một người chỉ thấy mình "phải đi làm để kiếm tiền", họ đang bỏ qua rất nhiều ý nghĩa khác của công việc. Công việc không chỉ là nguồn thu nhập, mà còn là nơi để thỏa mãn đam mê, kết giao với những người cùng chí hướng, phát triển bản thân, tạo ra giá trị.
Hoặc như một người thợ mộc - họ không chỉ đơn thuần đang cưa gỗ, mà đang tạo ra những món đồ sẽ làm đẹp cho không gian sống của ai đó.
Bạn có đang tìm thấy ý nghĩa trong lịch trình hằng ngày của mình không?
2. Có thể bạn mất dần động lực, sự "khen thưởng".
Khi bắt đầu, bạn đâu có chán "routine" đến vậy đúng không?
Đây đã từng là lý do cho bước ngoặc khởi nghiệp của tôi.
Khoảng thời gian còn đi làm, tôi đã từng rất yêu thích công việc của mình. Tôi uống bia mình quản lý, tôi gội đầu bằng thương hiệu mình xây dựng. Tôi yêu thích công việc cho đến khi tôi nghỉ việc và thử khởi nghiệp, rồi thất bại. Mọi việc không như ý, tôi đi làm lại với một tâm thế "không còn cách nào khác".
Thời điểm quay lại, tôi chấp nhận một công việc có văn phòng khá xa, nhưng bù lại thì ngành hàng khá ổn định. Tôi đeo tai nghe trong suốt quãng đường dài đến công ty, như một cách để quên đi những tiếng ồn ào xung quanh. Tôi làm việc như một cỗ máy chuyên nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ mà không còn bất kỳ hào hứng nào. Tối về nhà đúng giờ, đôi khi mặc kệ một chút, tự khóa mình trong một vòng lặp routine nhàm chán.
Rồi đến một ngày, tôi nhìn lại và nhận ra: Đó không phải là cuộc sống mà tôi mong muốn. Tôi đã mất dần động lực và sự đam mê.
Tôi biết mình muốn nhiều hơn những điều lặp lại vô hồn như thế. Tôi bắt đầu tìm kiếm sự giải thoát, thay đổi và đồng thời đặt ra những đích đến rõ ràng hơn.
Tương tự, một người vợ có thể bắt đầu cảm thấy cuộc sống gia đình trở nên nhàm chán, khi cô ấy bắt đầu có con, đứa đầu tiên và có thể là đứa thứ hai. Việc phải ở nhà chăm sóc con cái, lo toan gia đình, dọn dẹp nhà cửa... là những thứ rất dễ lặp đi lặp lại. Và cô ấy bắt đầu đặt ra câu hỏi tại sao. Động lực ban đầu về một gia đình "lý tưởng" dần dần phai nhạt.
Nếu không được bồi đắp "sự khen thưởng" bằng tình yêu và chia sẻ của chồng, hoặc động lực xây dựng gia đình, hoặc ý nghĩa của việc chăm sóc con cái, hay niềm vui nhìn thấy sự lớn lên của đứa trẻ, hay tất cả những điều đó... người vợ có thể cảm thấy mỗi ngày là một routine nhàm chán, áp lực.
Bạn có nhớ động lực đã khiến mình bắt đầu không? Bạn có biết tự tạo động lực không? Có ai đồng hành và kích thích "sự khen thưởng" trong bạn không?
3. Có thể bạn cần kiên nhẫn và kỷ luật hơn một chút.
Chúng ta đang sống trong thời đại của những kích thích tức thì. Mạng xã hội, tin tức 24/7, những thông báo liên tục... tất cả đều khiến não bộ chúng ta quen với việc nhận những phần thưởng ngay lập tức. Trong khi đó, routine đòi hỏi sự kiên nhẫn, đòi hỏi khả năng nhìn xa hơn để thấy được kết quả.
Tôi thường ví von với các bạn rằng: Routine giống như việc trồng một cái cây. Bạn không thể kỳ vọng thấy quả ngay ngày đầu tiên. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn chăm sóc, tưới nước đều đặn, một ngày nào đó cái cây ấy sẽ cho những trái ngọt.
Luyện tập một môn thể thao hay rèn luyện một kỹ năng cần có routine tập luyện kỷ luật, cho dù từng bài tập trông có vẻ đơn giản và nhàm chán.
Quy trình của một công ty đòi hỏi tôn trọng routine để làm quen, thích nghi và thành thục. Xây dựng một gia đình cũng cần có những routine mới được tạo ra giữa hai hay nhiều cá thể độc lập.
Hãy tự hỏi bản thân xem nếu sự nhàm chán có đến quá sớm không? Bạn có nghĩ mình nên kiên nhẫn thêm một chút, hay tin tưởng vào sự kỷ luật sẽ tạo ra kết qua không?
4. Có thể bạn cần phải thay đổi routine.
Cuối cùng, nếu đã loại trừ các khả năng trên, nghĩa là bạn không thấy bản thân cần phải thay đổi gì, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần phải thay đổi routine.
Đúng vậy.
Routine chỉ nhàm chán khi bạn không yêu thích, không tìm thấy ý nghĩa, mà bạn vẫn phải làm, dù đã kiên nhẫn hoặc tự tạo động lực.
Bạn chịu đựng nhưng không tìm cách thoát ra.
Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng cảm giác nhàm chán không phải là dấu hiệu của một cuộc sống tẻ nhạt, mà là lời nhắc nhở để chúng ta nhìn nhận lại và tìm ra ý nghĩa mới trong những điều tưởng chừng quen thuộc, hoặc là mạnh dạn thay đổi, tạo ra những routine mới.
Tại sao routine tốt cho sức khỏe tinh thần?
Tôi sẽ giải thích cho các bạn hiểu về cách não bộ hoạt động khi phải đối mặt với nhiều quyết định trong ngày, và tại sao routine lại quan trọng đến vậy.
Trong não bộ chúng ta có một khu vực gọi là vỏ não trước trán (prefrontal cortex), nơi chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định và kiểm soát hành vi có ý thức. Khu vực này giống như một cục pin năng lượng có giới hạn.
Mỗi khi chúng ta phải đưa ra một quyết định có ý thức, dù là quyết định nhỏ như "hôm nay mặc áo gì", hay lớn như giải quyết một vấn đề phức tạp ở công ty, chúng ta đều tiêu tốn một phần năng lượng từ "cục pin" này.
Hiện tượng này được gọi là "mệt mỏi quyết định" (decision fatigue).
Giống như một cơ bắp bị tập quá sức, khả năng ra quyết định của chúng ta sẽ suy giảm sau mỗi quyết định được đưa ra.
Đó là lý do tại sao vào cuối ngày, nhiều người thường có xu hướng đưa ra những quyết định kém chất lượng hơn hoặc thậm chí không muốn quyết định gì nữa.
Ngược lại, khi chúng ta có routine, não bộ sẽ chuyển những hoạt động thường xuyên vào vùng não khác gọi là hạch nền (basal ganglia), nơi kiểm soát các hành vi tự động và thói quen. Khi một hành động được thực hiện đủ nhiều lần, nó sẽ được "tự động hóa" và không còn cần nhiều năng lượng từ vỏ não trước trán nữa.
Tôi hay ví von điều này giống như việc lái xe vậy. Khi mới học lái, bạn phải suy nghĩ về mọi thứ: khi nào đạp phanh, khi nào chuyển số, làm sao để đánh lái. Nhưng sau một thời gian, những động tác này trở nên tự nhiên đến mức bạn có thể vừa lái xe vừa trò chuyện hay nghĩ về công việc. Đó là vì các động tác lái xe đã được chuyển từ vùng ra quyết định có ý thức sang vùng kiểm soát thói quen.
Đây chính là lý do tại sao những người thành công thường có những routine rất rõ ràng. Họ hiểu rằng bằng cách tự động hóa các quyết định thường ngày (như ăn gì, mặc gì), họ đang tiết kiệm năng lượng não bộ cho những quyết định quan trọng hơn trong công việc và cuộc sống.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xây dựng routine phù hợp với bản thân và linh hoạt điều chỉnh khi cần thiết. Một routine quá cứng nhắc có thể gây áp lực và khiến cuộc sống thiếu tính tự nhiên, bị gò bó.
Xây dựng routine có mục tiêu tốt đẹp
Bản chất routine là tốt. Sự lặp lại có chủ đích này không hề đơn điệu như chúng ta ta tưởng. Sự lặp lại mà có mục đích, ý nghĩa có thể mang lại kết quả tốt đẹp và không nhàm chán.
Điều này cũng giống như việc một nghệ sĩ dương cầm luyện tập một bản nhạc hàng trăm lần. Mỗi lần lặp lại không phải là sự nhàm chán, mà là một bước tiến gần hơn đến sự thuần thục. Khi các hoạt động cơ bản trở nên tự động, não bộ của ta được giải phóng để tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng và sáng tạo hơn.
Ví dụ trên cũng khiến tôi nhớ đến quá trình tập bơi sải của mình. Trong mỗi buổi tập, huấn luyện viên yêu cầu tôi phải tập động tác quạt tay riêng, động tác đập chân riêng, và động tác nghiên thở riêng, rồi cuối cùng mới là các bài tập chính, các thử thách về tốc độ và cự ly.
Các động tác đơn giản này được lặp đi lặp lại thường xuyên, qua nhiều giờ, trong nhiều buổi, đến mức ngán ngược ngán xuôi. Cho đến một ngày, chúng trở thành phản xạ tự nhiên của cơ thể và tôi thấy mình bơi hiệu quả hơn, không còn nghĩ đến các động tác nữa. Đó là routine với một mục đích đúng, làm nền tảng cho sự phát triển. Những ngày kiên nhẫn và kỷ luật khi tập luyện đã tạo nên thói quen cho cơ bắp phát triển, quen với động tác đúng, giúp tôi bơi nhanh hơn.
Khi routine kết hợp với sự tập trung và động lực, nó không còn là một chuỗi những điều lặp lại vô ích, mà là nền móng cho những đổi mới lớn lao. Nhờ đó, routine không còn là sự buồn chán, mà trở thành động lực và thành quả mà ai cũng mong muốn.
Xây dựng routine để ưu tiên những quyết định quan trọng
Vì vậy, việc xây dựng routine không chỉ đơn thuần là tạo thói quen, mà còn là cách để tối ưu hóa hiệu suất não bộ của chúng ta. Nó giúp chúng ta vừa hoàn thành được nhiều việc hơn, vừa đưa ra những quyết định sáng suốt hơn cho những vấn đề thực sự quan trọng.
Việc xây dựng routine có nhiều lợi ích quan trọng, giúp cho:
- Tăng hiệu suất công việc vì não bộ không phải tốn năng lượng để đưa ra quyết định cho những việc lặp đi lặp lại
- Giảm stress bởi cuộc sống trở nên có trật tự và dễ kiểm soát hơn
- Hình thành thói quen tốt một cách tự nhiên
- Tiết kiệm thời gian và năng lượng cho những việc quan trọng khác
Lấy ví dụ từ một thần tượng tôi yêu thích. Ông Steve Jobs, cố CEO của Apple, từng chọn cách mặc cùng một kiểu áo len cổ lọ đen hàng ngày để giảm bớt một quyết định không cần thiết, từ đó dành sự tập trung tối đa cho công việc sáng tạo.
Hay vận động viên Michael Phelps duy trì một routine tập luyện chặt chẽ để cơ thể quen thuộc với các chuyển động và giảm thiểu áp lực khi thi đấu.
Những hành động lặp đi lặp lại này không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn giúp họ đạt được hiệu suất cao hơn. Chính vì vậy, routine, khi được sử dụng đúng cách, có thể là một công cụ mạnh mẽ để bạn tập trung vào những việc quan trọng nhất, đồng thời tránh bị cuốn vào những thứ không cần thiết.
Biến routine thành những thử thách, sáng tạo
Bạn cũng có thể thêm yếu tố "thử thách" vào routine bằng cách tạo ra những "mini-challenge" cho chính mình.
Ví dụ, thay vì chỉ đơn giản là tập thể dục, bạn có thể thử thách bản thân tăng tốc độ, cự ly, mỗi ngày, mỗi tuần, hoặc đăng ký một giải chạy. Việc đặt mục tiêu và theo dõi tiến độ sẽ tạo ra cảm giác phấn khích và thành tựu, tạo ra "sự khen thưởng" dopamin cho não bộ.
Một cách khác là kết hợp các hoạt động với nhau.
Nếu bạn thích đọc sách nhưng không có thời gian, hãy thử nghe sách nói trong lúc đi bộ buổi sáng hoặc chiều tối. Hoặc nếu bạn muốn học ngoại ngữ, hãy dán những mảnh giấy ghi từ vựng ở những nơi bạn thường xuyên nhìn thấy trong nhà.
Tôi cũng khuyến khích các bạn thay đổi không gian thực hiện routine.
Ví dụ, thay vì luôn làm việc ở bàn, có thể thử ra công viên hoặc một quán café yên tĩnh. Sự thay đổi môi trường sẽ kích thích não bộ và tạo cảm hứng mới.
Giống như việc nấu ăn vậy, một công thức có thể được biến tấu theo nhiều cách khác nhau. Chính sự sáng tạo và cá nhân hóa này sẽ giúp routine của bạn trở nên độc đáo và đáng yêu thích hơn.
Đừng quên yếu tố xã hội.
Bạn có thể rủ bạn bè cùng tập thể dục, hoặc tham gia một nhóm có cùng sở thích. Việc chia sẻ routine với người khác không chỉ giúp duy trì động lực mà còn tạo ra những trải nghiệm thú vị.
Hãy luôn nhớ rằng routine không phải là một công thức cứng nhắc, nhàm chán. Bạn hoàn toàn có thể linh hoạt điều chỉnh nó theo tâm trạng và hoàn cảnh. Quan trọng là giữ được những yếu tố cốt lõi nhưng vẫn để không gian cho sự tự phát và khám phá.
Đi tìm ý nghĩa lớn lao cho routine
Tôi nghĩ việc tìm lại ý nghĩa trong routine là một hành trình rất đáng giá.
Chúng ta cần hiểu rằng mọi routine đều có một mục đích sâu xa hơn vẻ bề ngoài của nó.
Giống như một người thợ xây đang xây từng viên gạch - công việc có vẻ đơn điệu, nhưng thực ra họ đang xây dựng một ngôi nhà, một nơi mà ai đó sẽ gọi là tổ ấm. Tương tự, khi chúng ta làm những công việc hàng ngày, chúng ta đang xây dựng nền móng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Để tìm lại động lực, tôi thường khuyên mọi người thực hành "mindfulness" - sự tỉnh thức trong từng khoảnh khắc. Hãy nghĩ đơn giản rằng mỗi giây phút sống trong thực tại, được thức dậy, được yêu thương, được đi làm, được ở bên cạnh những người thân, hay chỉ đơn giản là được tồn tại, đã là một điều hạnh phúc. Khi bạn thấy trân trọng từng khoảnh khắc, bạn sẽ thấy routine không còn là vấn đề nữa.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh về việc ghi nhận và tôn vinh những tiến bộ nhỏ (small-win) trong từng khoảnh khắc. Giống như một nhật ký hành trình, bạn có thể ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa trong routine của mình. Có thể là nụ cười của con khi bạn đưa đón ở trường, có thể là cảm giác hài lòng khi nhìn căn nhà ngăn nắp sau khi dọn dẹp, hay niềm vui khi đồng nghiệp khen ngợi công việc của bạn.
Một cách khác để tìm lại ý nghĩa là kết nối routine của mình với một mục tiêu lớn hơn. Ví dụ, nếu bạn phải dậy sớm mỗi ngày để tập thể dục, đừng chỉ nghĩ về việc giảm cân hay có cơ bắp. Hãy nghĩ về việc bạn đang xây dựng một phiên bản khỏe mạnh hơn của chính mình, một người có thể chơi đùa với con cái lâu hơn, một người có thể tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn khi về già.
Khi bạn cảm thấy mất kết nối với routine hiện tại, đó có thể là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc thêm vào những yếu tố mới, những ý nghĩa mới hoặc điều chỉnh để phù hợp hơn với giai đoạn hiện tại của cuộc sống.
Xây dựng routine tốt để bạn không phải tìm cách thoát ra
Việc này giống như khi bạn trang trí căn phòng của mình vậy. Bạn không muốn có một căn phòng mà mỗi lần bước vào là muốn bước ra ngay. Thay vào đó, bạn sẽ tạo ra một không gian mà bạn mong được trở về, một nơi khiến bạn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.
Routine cũng vậy. Thay vì áp đặt những thói quen mà người khác cho là tốt, hãy xây dựng những thói quen phù hợp với nhịp sống và đam mê của chính mình.
Ví dụ, nếu bạn yêu thích âm nhạc, tại sao không bắt đầu ngày mới bằng việc nghe một bài hát yêu thích? Nếu bạn thích lập trình hay vẻ, sao không dành 30 phút mỗi ngày để học môn mà mình yêu thích?
Điều quan trọng là routine của bạn phải có khả năng phát triển và mở rộng. Giống như một cái cây, nó cần có không gian để lớn lên và đơm hoa kết trái. Một routine tốt sẽ tạo cơ hội cho bạn học hỏi những điều mới, kết nối với những người xung quanh, và không ngừng phát triển bản thân.
Để vượt qua cảm giác nhàm chán này, tôi nghĩ chúng ta cần:
- Kết nối lại với ý nghĩa sâu xa của công việc mình làm
- Tạo ra những thay đổi nhỏ trong cách thực hiện công việc
- Sử dụng công cụ sáng tạo, để cái khác ra quyết định giúp não
- Chia sẻ và ghi nhận những đóng góp của nhau
- Dành thời gian cho những sở thích và đam mê cá nhân bên cạnh công việc thường ngày
Khi bạn có một routine mà mình yêu thích, bạn sẽ không còn nghĩ về việc "thoát ra" nữa. Thay vào đó, bạn sẽ mong đợi được thực hiện nó mỗi ngày, biến nó thành động lực cho mỗi sáng thức dậy.
Và đó mới chính là routine đích thực - không phải là xiềng xích trói buộc bạn, mà là đôi cánh giúp bạn bay cao hơn mỗi ngày.
